Sáng ngày 09/11/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 03 năm thực hiện Luật tiếp công dân.

Các đồng chí Lê Đình Sơn UVBCH Trung ương Đảng – Bí thư tỉnh ủy – CT HĐND tỉnh và Đặng Ngọc Sơn UVBTV – PCT UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Thạch Hà, các đồng chí Nguyễn Văn Thắng Phó bí thư thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện và Trần Việt Hà Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì Hội nghị.
Qua 03 năm triển khai thực hiện Luật tiếp công dân năm 2013 và Nghị định số 64 ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tiếp công dân, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp trên 27.000 lượt công dân với gần 50.500 người. Trong đó, tiếp công dân thường xuyên là 19.483 lượt với 31.202 người; Tiếp dân định kỳ 7.201 lượt với 10.619 người; Tiếp dân đột xuất với 592 lượt với 8.631 người. Đoàn đông người chủ yếu liên quan đến bồi thường do sự cố môi trường biển là 1.433 đoàn với 24.435 người. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận trên 11.815 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh. Trong đó, cấp tỉnh 2.858 đơn; Các sở, ngành tiếp nhận 1.003 đơn; Cấp huyện tiếp nhận 3.567 đơn; Cấp xã tiếp nhận 4.387 đơn. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức 57 lớp tập huấn trực tiếp cho hơn 6.400 người…
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các địa phương tại nhiều điểm cầu đã phát biểu nhiều ý kiến liên quan tới hoạt động tiếp công dân trong thời gian qua, trong đó nêu lên những mặt đạt được, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó đề xuất, kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả Luật tiếp công dân trong thời gian tới. Trong đó, một số khó khăn, hạn chế còn gặp phải trong quá trình thực hiện Luật tiếp công dân ở nhiều địa phương hiện nay như Ban tiếp công dân cấp huyện chỉ có một Trưởng ban mà không có Phó ban nên trong thực tiễn công tác tiếp công dân còn gặp phải những khó khăn nhất định; Nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo một số địa phương ở các xã, phường, thị trấn đối với công tác tiếp dân chưa đầy đủ; Một số cán bộ làm công tác tiếp công dân ở cấp huyện, cấp xã chưa được đào tạo nghiệp vụ, kinh nghiệm làm việc chưa nhiều nên việc xử lý đơn thư còn gặp nhiều khó khăn. Ở cấp xã không có biên chế để thực hiện công tác tiếp dân thường xuyên nên thường bố trí công chức Tư Pháp - Hộ tích kiêm nhiệm dẫn đến khó khăn trong hoàn thành một lục nhiều nhiệm vụ liên quan đến kiến nghị, đề xuất của công dân. Hiện nay do điều kiện ngân sách các địa phương hạn hẹp nên ở cấp xã chế độ bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tiếp công dân chưa được thực hiện theo quy định của Luật. Luật tiếp công dân và văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với những trường hợp đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn khiếu kiện không có điểm dừng, lợi dụng dân chủ gây khó khăn, thậm chí xúc phạm cán bộ công chức nhà nước…


Tại Thạch Hà hệ thống mạng kết nối với điểm cầu của tỉnh đảm bảo thông suốt, phục vụ hiệu quả cho hoạt động của Hội nghị
Tại Thạch Hà, trong 03 năm triển khai thực hiện Luật tiếp công dân trên địa bàn đã tiếp trên 11.380 lượt công dân, trong đó tiếp định kỳ 125 lượt, tiếp đột xuất 16 lượt, tiếp thường xuyên 1256 lượt, số đoàn đông người 102 đoàn. Theo nội dung tính chất vụ việc gồm có 51 vụ việc khiếu nại; 47 vụ việc tố cáo; 1283 vụ việc kiến nghị, phản ánh; 97 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp. Về kết quả tiếp công dân tại cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp ở huyện Thạch Hà, việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND huyện được thực hiện 02 lần vào ngày 5 và 20 hàng tháng. Chủ tịch UBND xã 1 lần/ tháng. Về khó khăn, hiện nay tại huyện Thạch Hà có 22 xã chưa bố trí phòng tiếp công dân theo quy định; 28 xã, thị trấn chưa thực hiện chi trả bồi dưỡng cho cán bộ tiếp công dân. Trong Luật tiếp công dân chưa có quy định Chủ tịch UBND huyện được ủy quyền cho Phó chủ tịch UBND huyện tham gia tiếp công dân định kỳ nên ở một số trường hợp do yêu cầu công việc nên CT UBND huyện không thể tiếp công dân định kỳ theo quy định…

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Lê Đình Sơn UVBCH Trung Ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy – CT HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thực hiện Luật Tiếp công dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng thời cũng chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại hạn chế trong công tác tiếp dân xuất phát từ trách nhiệm người đứng đầu chưa cao, chưa coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm. Để công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại việc thực hiện Luật tiếp công dân ở từng địa phương đơn vị; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp dân; tổ chức các cuộc tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tiếp dân từ đó nâng cao chất lượng hướng dẫn, truyền đạt thông tin tới nhân dân. Ngoài ra, mỗi cán bộ phải tự trang bị cho bản thân đầy đủ các kiến thức, hiểu biết về luật, Nghị định; bố trí hợp lý và có chính sách cho cán bộ tiếp dân…