Đền Tam Tòa thuộc địa phận thôn Lộc Nội, xã Thạch Xuân Huyện Thạch Hà là ngôi đền linh thiêng thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang - danh thần có nhiều công lao đối với dân tộc đầu thế kỷ XI. Về sau đền phối thờ thêm các vị nhân thần, nhiên thần như: Thần Thổ địa, Sơn Thần, Thủy thần và các danh nhân có công với quê hương, đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đền là nơi đã ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa của cư dân địa phương để góp phần làm nên nền văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

          Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, vị Hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ được cử vào thị trấn trị vùng đất Hoan Châu (tức tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay) vào nửa đầu thế kỷ XI. Trong bối cảnh nhà Lý chưa bình ổn cả về nội trị lẫn ngoại giao. Khi được giao cai quản vùng đất này, Ông đã trổ tài kinh bang tế thế: dùng uy để chế ngự, dùng ân để vỗ về dân chúng, dùng chính sách khoan sức dân, gần gũi dân, sửa đổi và minh bạch các chế độ tô thuế, lấy việc dân được no ấm, yên vui, hạnh phúc làm gốc của việc cai trị. Chính vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm 1041 Lý Nhật Quang được phong làm Tri châu Nghệ An. Năm 1044, Ông được phong từ tước Hầu lên tước Vương (Uy Minh vương), ban chức  “Tiết Viện”. Ông đã tiến hành hàng loạt những biện pháp khuyến nông như dạy cho dân mở mang nghề trồng dâu, khơi thông luồng lạch, mở nhiều đường bộ để tiện cho việc giao thương. Bên cạnh phát triển kinh tế, Ông còn cho mở nhiều trường dạy học. Uy Minh vương Lý Nhật Quang đã biết vận dụng, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và đấu tranh ngoại giao; bảo vệ trật tự trị an cơ sở, đảm bảo vùng Hoan Châu là “Thành đồng vách sắt” phía nam Đại Việt. Khi còn sống ông được xem là “Uy Minh – Dũng Liệt”,

          Những dấu tích đọng lại từ thời Lý đến nay không còn nhiều nhưng tên đất, tên làng và những thành tựu trong kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng mà Ông tạo dựng tại vùng đất này vẫn lưu lại dấu ấn đậm nét xuyên suốt chiều dài thời gian và không gian. Sau khi Uy Minh vương Lý Nhật Quang qua đời, nhiều đền thờ được nhân dân xứ Nghệ và dân Chiêm Thành đã lập đền thờ để tri ân, tưởng nhớ công đức của ông. Đền Tam Tòa thôn Lộc Nội, xã Thạch Xuân được xây dựng để tri ân công lao to lớn của Uy Minh vương Lý Nhật Quang với vùng đất có vị trí đặc biệt này. Theo thời gian, đền còn phối thờ thêm một số vị nhân thần, nhiên thần như: Cao các mạc Sơn, Thổ địa, Thần nông, Thủy thần là những vị thần gắn bó với cư dân nông nghiệp lúa nước của vùng bán sơn địa này, nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, cuộc sống của người dân luôn thịnh vượng.

          Trước Cách mạng Tháng Tám, hàng năm đến ngày 14, 15/06 Âm lịch người dân trong xã lại long trọng tổ chức lễ rước sắc từ các đền, miếu về tại đền Tam Tòa làm lễ một ngày một đếm, sau đó mới rước về lại đền cũ. Trong lễ hội, làng tổ chức những cuộc thi và trò chơi dân gian như thả diều, kéo co và các môn thể thao truyền thống.

          Đền còn là địa điểm họp bí mật của những người tham gia hoạt động Cách mạng năm 1930 – 1931. Nơi đây vào tháng 01 năm 1931,  khi các  đảng viên cộng sản đang nhóm họp tại đền đã có 5/6 người tham gia hoạt động cách mạng  đã bị bọn thực dân Pháp bắn chết. Trong số đó, có 3 người sau này đã có được công nhận là liệt sỹ thời kỳ 1930 – 1931. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ủy ban Cách mạng đã tổ chức một điểm bầu cử Đại biểu Quốc hội nước ViệtNamdân chủ Cộng hòa đầu tiên trong lịch sử ngay tại đền.

          Đền Tam Tòa được xây dựng từ thời Lê được làm bằng vôi vữa và chất kết dinh truyền thống gồm các hạng mục công trình hạ điện, trung điện, thượng điện, có hệ thống câu đối, đại tự, đồ tế khí, sắc phong bài vị và tư liệu rất đầy đủ. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đền đã bị phá hủy và trở thành phế tích. Dân làng Lộc Nội đã đóng góp công sức và vật chất để trùng tu, tôn tạo lại ngôi đền nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đảm bảo nơi thờ phụng và sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân. Hiện nay đền đã được phục dựng với các hạng mục: cổng tắc môn và đền thờ được bố trí trên 1 trục dọc, quay mặt về hướng đông nam. Cổng vào di tích được xây dựng bằng nguyên liệu gạch, xi mằng, trên cổng có nghê chầu, trang trí họa tiết hoa văn đơn giản.


Một góc Đền Tam Tòa sau khi được nhân dân trùng tu, tôn tạo          

  Nhìn chung, đền Tam Tòa là công trình có quy mô không lớn, kết cấu đơn giản nhưng đây là di tích được phục hồi để thờ phụng một vị danh thần có nhiều công lao đối với dân tộc vào đầu thế kỷ XI. Trải qua thời gian, đền thờ trở thành biểu tượng tâm linh, nơi hội tụ của nhân dân trong vùng vào những ngày lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của tiền nhân. Qua đó giáo dục giá trị nhân văn tốt đẹp  để thắt chặt thêm mối quan hệ, gắn kết cộng đồng nhân dân trong vùng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

          Đền còn là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử của dân tộc xuyên suốt cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; từng được chọn là địa điểm hoạt động cách mạng, treo cờ búa liềm, là nơi để tập trung đấu tranh để chống lại chính sách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến đòi các quyền lợi chính đáng của quần chúng nhân dân. Tất cả những điều đó chứng tỏ, tại bất kỳ thời điểm nào, đền Tam Tòa luôn là một địa điểm rất quan trọng làm nên lịch sử của địa phương nói riêng và của dân tộc nói chung.

          Với những giá trị truyền thống của di tích, ngày 28/08/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định xếp hạng đền Tam Tòa thôn Lộc Nội là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Chính quyền và nhân dân địa phương hân hoan đón bằng di tích lịc sử văn hóa cấp tỉnh đền Tam Tòa

Đây là một mốc son quan trọng để cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân tiếp tục bảo tồn di sản và gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của cha ông, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

 

Đài TT - TH Thạch Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Dữ liệu cũ (Lộc Hà)
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 3.272.936
Online: 60
ipv6 ready