Danh thắng Quỳnh sơn
Dãy Nam Giới như bức thành trấn giữ phía đông nam Cửa Sót, nên dân gian thường gọi rú Sót hay rú Bể, đối diện với núi Bầng - Bằng Sơn ở phía tây bắc ("Rú Bầng, rú Bể, rú Bin..." (ca dao)).
Núi Nam Giới
Mấy trăm năm trước, vào thế kỷ XVIII, Cửa Sót còn chảy về phía nam núi Nam Giới. Sách "Nghệ An ký" của Bùi Dương Lịch viết: "Sông Hà Hoàng đi qua các xã Hoa Mộc và Dương Luật rồi chảy ra biển". Sách "Thiên Lộc huyện phong thổ chí" cũng viết: "Ngày xưa núi Mộc Sơn (Hòn Mốc) tức là Hữu Nam Giới[1]. Cửa bể ở phía nam núi ấy, nhưng sau sông bể đổi dời, dòng nước lấn lên phía bắc". Các cụ già địa phương cũng kể lại rằng, xưa kia lạch sông đi qua các xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Hải bây giờ. Hiện nay còn có khe nước chảy qua xã Thạch Bàn có thể đó là lòng sông cũ[2]. Như vậy cách đây chưa lâu lắm, doi đất Kim Đôi còn dính liền với ngọn Long Ngâm. Cử nhân Lưu Công Đạo từng viết: "Đạo tôi đã có lần đi từ làng Kim Đôi qua núi Long Ngâm" và ông mô tả trong "Thiên Lộc huyện phong thổ chí" rằng: "Bên hữu cửa bể là núi đất Kim Đôi, một dải cát vàng từ núi Côn Bằng chạy ngang qua cửa bể. Trên khúc sông ấy có đồn binh, có chợ, thuyền bè san sát, bếp thuyền bốc khói toả mờ mặt sông. Chiều đông mặt trời sắp xuống khỏi núi đàng tây, mặt sông đèn lửa đều nổi lên lập loè. Chập tối, thuyền đánh cá dong buồm về bến, nhìn quang cảnh ấy, kẻ có tâm hồn thường ứng hoạ, trong lòng cảm thấy thư thái”. Xưa, vua Lê Thánh Tông qua đây làm bài thơ có hai câu:
"Sáng qua tỉnh mộng giang hồ,
Cưỡi bè những muốn lên xô cửa trời"
(Thái Kim Đỉnh dịch):
Còn núi Nam Giới, ngọn Long Ngâm cũng được ông Lưu mô tả: “Ở cái gò tên là Mai Phụ (gò Mơ) trên núi này có đền thờ Vũ Mục Vương. Núi vươn dài ra tận biển tựa như bức bình phong. Ở vách núi có hang đá, gió cuốn sóng trào xô vào đẩy ra như một cái miệng lớn nhả nuốt không ngừng, tiếng nước vỗ đá ầm ầm, nghe đều như tiếng trống cầm canh. Vì thế đền Vũ Mục gọi là đền Linh Cổ (Trống Thiêng) và chỗ núi ấy cũng gọi là núi Linh Cổ. Đứng trên núi trông suốt được cảnh sơn thuỷ thật đáng sánh với những nơi danh thắng như Động Đình, Nhạc Dương...".
Cụ Bùi Dương Lịch cũng viết trong "Nghệ An ký": "Ngọn núi cao nhất ở phía đông bắc hình như trán rồng. Liền ở dưới có một dải sống núi hình như vòi rồng, hai bên tả hữu có hai tảng đá tròn hình như mắt rồng, dưới núi có một cái ao lộ thiên rộng độ vài mẫu và rất sâu, hình như miệng rồng, xung quanh ao toàn là cỏ rậm bùn lầy, không thể vào được. Hai bên có hai nhánh núi ôm quặt lại hình như hai chiếc râu rồng. Nước ao chảy quanh co trong núi, ra bể. Ngoài biển lại nổi lên một ngọn, chắn ngang, sóng kêu ầm ầm như sấm động".
Người xưa nhìn núi non và tưởng tượng ra như vậy. Ngày nay như ta biết thì phần bắc dãy Nam Giới là hòn Lố và ngọn Long Ngâm, cách nhau một eo núi sâu, lúc triều lên thì ngập nước, gọi là Eo Lói. Ở đây có nhiều hòn đá hình thù kỳ dị, được dân gian gọi tên đá Trống, đá Hến, đá Nhọn, đá Giường, đá Trứng Gà... Bên hòn Lố có hòn Môi nổi lên mặt nước như mái nhà, hòn Tượng đá chồng cao, trên có khe Nghiêng nước chảy róc rách, đá Am, đá Lố, đá Ngựa Chìm... đều nằm dưới mặt nước. Đá Ngựa Chìm cách mũi Lố không xa, thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ, nhân dân đã bẫy được một con tàu chiến của Mỹ - Ngụy tại đây. Hòn Trống, hòn Mái giống hình đôi hươu, sách xưa chép là "Đá Hươu" hay "Hươu Đá", nằm trước cửa bể, lúc triều lên thì ngập, thuyền bè đi lại thường bị tai nạn. Bên gành Long Ngâm lại có hai hòn đá Lộng và đá Khơi rất nguy hiểm cho ghe thuyền nên được coi là "đá thiêng". Ai vô ý để thuyền chạm vào thì phải làm lễ cúng sám hối... Trên đỉnh hòn Lố, trong hai cuộc chiến tranh là nơi đặt đài quan sát của dân quân, bộ đội, và bây giờ là ngọn đèn biển soi đường cho thuyền bè vào cửa Sót.
Phía tây ngọn Long Ngâm có đền Chiêu Trưng (hay đền Võ Mục). Phía đông núi, theo sách "Nghệ An ký", trên bờ cao có hai nền nhà, tương truyền đời Hùng Vương, Chử Đồng Tử tu tiên đắc đạo ở đó, gọi là núi Quỳnh Viên. Quỳnh Viên, Quỳnh Sơn chính là tên xưa nhất của núi Nam Giới:
"Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên".
(Người ta còn nói ngọn núi nổi tiếng này xưa là Quỳnh Viên). (Thơ Lê Thánh Tông)
Mặt trước, dãy Nam Giới - Quỳnh Viên lấn ra tận bờ biển Đông, có đoạn sóng vỗ ào ào lên bờ đá, nhưng có đoạn là dãy cát hẹp. Ở mỏm cuối, giáp đất Dương Luật (Thạch Hải) có ngôi miếu nhỏ thờ Thánh Mẫu như một chứng tích của cửa bể ngày xưa.
Mặt sau, phía tây, con sông Sót (đoạn cuối của con sông Hà Hoàng) chảy sát chân núi. Theo triền sông, tiếp giáp với ngọn Long Ngâm là ngọn Nam Sơn. Trên núi có ngôi đền Thánh Mẫu, thường gọi là đền Nam Sơn. Đền không lớn nhưng cảnh thật là đẹp. Ngọn Hoả Hiệu thấp nhỏ, cách ngọn Nam Sơn không xa, xưa là nơi đốt lửa khi có giặc. Dưới núi là "Áng Cát" và trên núi có ngôi miếu nhỏ thờ thần Cá Voi "Nhân Ngư linh ứng", loài cá được dân miền biển coi là nhân từ, thường cứu thuyền, cứu người khi có dông bão.
Cùng với đền Chiêu Trưng, hai ngôi đền, miếu này đã tạo nên cảnh đẹp ở đây, nhất là khi đi thuyền dưới sông trông lên. Ngọn cao nhất 373m nằm chếch về hướng đông, thường gọi là "đỉnh Treo Cờ" vì thời Xôviết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) và hồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dân Kim Đôi đã dựng cờ đỏ lên đỉnh núi. Từ đây núi thấp dần về phía nam cho đến địa phận các xã Thạch Bàn, Thạch Hải. Ven núi, mé bờ sông, có những địa danh lạ tai: Áng Cát, Áng Vôi, Hang Đá, gành Trôốc Mem và đá Rùa, một tảng đá trông giống như con rùa nổi trên mặt sông. Trên núi có nhiều khe suối cùng đổ xuống sông Sót. Khe Su (sâu), khe Máng, khe Sư, khe Hau Hau,… thường được (dân địa phương bắc máng tre ra tận bờ sông để thuyền ghé vào lấy nước ngọt);... Nhưng nổi tiếng nhất là khe Hau Hau, vì nước tốt nhất trong vùng. Nước khe không chảy lộ thiên mà xuyên ngầm trong đá đến một chỗ đá trũng xuống như cái ao, nước có màu xanh lơ, uống vào ngọt mát. Xưa kia, vua đi qua Nghệ An (Nghệ - Tĩnh) quan địa phương bắt dân sở tại phải lấy nước khe này đem tiến. Thời thuộc Pháp, trước khi đặt ống dẫn nước từ núi Nhật Lệ về tỉnh lỵ, dân làng Kim Đôi cũng phải chở nước lên cung đốn cho các công sở, coi như một thứ thuế đặc biệt. Họ cũng chở nước lên bán cho dân phố và dân các vùng quê hiếm nước ngọt.
Đầu mùa hè năm Đinh Tỵ (năm 1797), cụ Bùi Dương Lịch đã đến tắm ở khe Hau Hau và có làm bài "Tự thuyết" về con khe này. Đúng 130 năm sau, ngày 15-4-1927 nhà thơ Tản Đà cũng về thăm cửa Sót. Hôm đó trời mưa, ông không thể tắm mà "sang tới núi, trèo lên uống chơi mấy khẩu nước rồi đứng xem phong cảnh..." (Giấc mộng lớn). Sau đó ông nhắc lại trong bài thơ "Ngày xuân nhớ cảnh nhớ người xưa":
"Một đêm ngủ lại Hoan thành
Nẻo sang Hà Tĩnh, sông xanh non Hồng
Nước núi Sót mát lòng ưu ái
Trận mưa thu dầm tưới quan san...".
Quỳnh Sơn - Nam Giới với núi khe, đền, miếu, với cửa biển, lạch sông, với bến thuyền, chợ cá, với những truyền thuyết về vua Lê Thánh Tông và tướng Lê Khôi, về cuộc huyết chiến của chiến thuyền Trịnh - Nguyễn, với những huyền thoại về Chử Đồng Tử, về bà chúa Liễu Hạnh là một vùng danh thắng, từ xưa nhiều tao nhân mặc khách đã đến đây, để lại những bài thơ lưu truyền mãi mãi.
[1]. Hai ngọn núi nhỏ giữa xã Thạch Đỉnh và Thạch Hải thường gọi là Hòn Mốc, có thể núi này là mốc phía đông biên giới Việt - Chiêm ở thế kỷ X (907-981). Từ đó dãy Quỳnh Sơn cũng được gọi là núi Nam Giới.
[2]. Đồng bào địa phương đã phát hiện được những tấm ván dưới đáy sâu vùng nại muối bây giờ.